CÔNG TY CỔ PHẦN NHÂN LỰC THUẬN THẢO - THUANTHAO.,JSC
CÔNG TY CỔ PHẦN NHÂN LỰC THUẬN THẢO - THUANTHAO.,JSC

Xuất khẩu lao động nửa đầu năm 2022 tăng mạnh​​​​​​​

Thứ Tư, 06/07/2022
CÔNG TY CỔ PHẦN NHÂN LỰC THUẬN THẢO

Thị trường xuất khẩu lao động đang trên đà phục hồi sau 2 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh việc mở cửa lại các thị trưởng truyền thống, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường xuất khẩu lao động thu nhập cao đã được xúc tiến.

Xuất khẩu lao động tăng mạnh

Chị Đỗ Thị Trang đang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Chờ đợi bao lâu đã được “bay” sang Nhật làm việc

Cuối năm 2019, chị Đỗ Thị Trang (24 tuổi, quê Thanh Hoá) đăng ký học tiếng Nhật để xuất khẩu lao động nhưng phải trì hoãn do dịch đến đầu năm 2021. Vài tháng sau, chị trúng tuyển vòng phỏng vấn và tiếp tục học online. Để có suất sang Nhật xuất khẩu lao động, chị Trang đóng 180 triệu đồng, số tiền này, chị phải nhờ bố mẹ vay mượn thêm ngân hàng. Dự kiến ngày 25.10.2021, chị Trang sẽ được xuất cảnh, nhưng COVID-19 đã đảo lộn mọi kế hoạch của chị.

Đến đầu tháng 5.2022, chị Trang mới có thể bay sang Nhật xuất khẩu lao động. “Trước ngày bay, tôi phải cách ly ở công ty 1 tháng. Ngày đặt chân lên máy bay, tôi vui vì công sức chờ đợi nhiều năm đã thành sự thật” - cô gái trẻ bày tỏ.

Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Trang cho biết, chị làm ở khâu kiểm tra hàng hoá, công việc có phần vất vả vì nóng và phải đứng cả ca làm việc. Lương nếu làm đủ 22 công thì được nhận 11 man Nhật. “Hiện nay, man Nhật đang xuống thấp, 1 man đổi ra khoảng 1,7 triệu đồng tiền Việt, tính ra, thu nhập của tôi được 18,7 triệu đồng/tháng. Đợt trước man Nhật từ 2-2,2 triệu đồng/man thì lương cao hơn. Bên này cái gì cũng đắt đỏ nhưng vẫn có cái rẻ, quan trọng tôi tiêu theo tỉ lệ tiền kiếm ra. Mỗi tháng chi 4-5 triệu đồng cho tiền ăn” - chị Trang nói.

Chị Trang kể, vì không được tăng ca nên công ty hỗ trợ cho lao động Việt khá nhiều; công ty thuê chung cư, mỗi căn có 3 phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách, nhà tắm, vệ sinh đầy đủ; nơi ở có tủ lạnh, tivi, điều hoà, lò vi sóng; lao động nữ còn được hỗ trợ thuốc đau đầu, đau bụng kinh, băng vệ sinh.

“Chúng tôi không mất tiền thuê nhà, chỉ phải đóng tiền điện, nước, Internet, cộng tất cả là 1 triệu đồng. Người trong công ty cũng giúp đỡ lao động Việt nên tôi không tủi thân nhiều khi đi làm xa nhà” - chị Trang cho hay.

Chị Trang là một trong số 51.677 người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, Nhật Bản có 32.053 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 15.633 lao động; Hàn Quốc là 1.209 lao động; Singapore có 853 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Nâng cao chất lượng người đi làm việc ở nước ngoài

Hơn hai năm qua, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, điều này gây hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Trong 2 năm qua, số lao động các doanh nghiệp đã tuyển và chờ xuất cảnh là hơn 80.000 người, trong đó có các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), ngay từ những tháng đầu năm 2022, bên cạnh việc mở cửa lại các thị trường truyền thống, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường thu nhập cao đã được xúc tiến triển khai. Bộ LĐTBXH đã tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như với Đức, Nga, Isarel và một số thị trường Châu Âu khác.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký Bản ghi nhớ về chương trình lao động nông nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, dự kiến Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 người/năm, mức lương cơ bản từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương 52,8-66 triệu đồng/tháng). Hiện nay, hai bên đang trao đổi để thống nhất về kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện bản ghi nhớ này. Bên cạnh đó, các chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Đức và Nhật Bản được duy trì thực hiện hằng năm đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động Việt Nam.

Bên cạnh mở rộng các thị trường mới, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo: laodong.vn

Liên quan

Hotline 024-62933332
Liên hệ qua Zalo