Lý do Nhật Bản chọn lao động Việt với điều kiện "không xăm hình"
Lý do Nhật Bản chọn lao động Việt với điều kiện "không xăm hình"
(Dân trí) - Hình xăm khiến người dân Nhật Bản liên tưởng tới các hành vi phạm pháp luật và bạo lực. Do đó, các doanh nghiệp của quốc gia này e ngại tiếp nhận những lao động có hình xăm, kể cả hình xăm đã xóa.
Hiện nay, thị trường Nhật Bản ngày càng thu hút nhiều lao động Việt bởi mức thu nhập ổn định và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các ứng viên Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn từ phía nhà tuyển dụng Nhật Bản.
Ngoài yêu cầu về trình độ học vấn, kinh nghiệm, năng lực tiếng Nhật, điều kiện sức khỏe… những ứng viên có hình xăm sẽ không đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc.
Nói về đặc trưng của thị trường lao động này, đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam, Đặng Thị Anh Ngọc cho biết, do tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và thấu hiểu, cởi mở hơn về đa dạng văn hóa, gần đây Nhật Bản đã dần nới lỏng các quy định tuyển dụng lao động. Cụ thể, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu chấp nhận lao động có hình xăm nhỏ và những người có sẹo xăm.
"Tuy nhiên, riêng Chương trình hợp tác giữa Tổ chức IM Japan và Bộ LĐ-TB&XH đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM Japan) vẫn giữ nguyên quy định không tiếp nhận người có hình xăm, kể cả hình xăm đã xóa", bà Ngọc cho biết đây là quy định bắt buộc của chương trình.
Theo bà Ngọc, quy định cấm hình xăm đã được áp dụng ngay từ đầu chương trình IM Japan và áp dụng với lao động tất cả các quốc gia tham gia, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, một số chương trình khác có thể chấp nhận ứng viên có hình xăm nếu doanh nghiệp phái cử có thể đàm phán thành công với công ty tiếp nhận lao động tại Nhật.
"Tư tưởng của người Nhật và các doanh nghiệp nói chung e ngại tiếp nhận người có hình xăm", bà Ngọc nói.
Đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho rằng, việc lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản thường kèm điều kiện không xăm mình được cho là xuất phát từ yếu tố văn hóa, lịch sử. Đại đa số người dân Nhật Bản nói chung đều không có ấn tượng tốt đối với những người có hình xăm.
Do đó, hình xăm có thể ảnh hưởng đến cơ hội xuất ngoại của lao động Việt, đặc biệt là theo chương trình phi lợi nhuận IM Japan.
Nhiều năm làm công tác tuyển dụng, bà Anh Ngọc cho biết, nhiều lao động "lách luật" bằng cách bôi kem che khuyết điểm, che hình xăm. Do đó, Văn phòng IM Japan tại Việt Nam đã phải tăng cường kiểm tra các ứng viên tại kỳ thi tuyển chọn.
"Trước khi nhập học, các ứng viên trải qua vòng kiểm tra thân thể, nếu bị phát hiện có hình xăm họ sẽ không được tham gia chương trình. Có nhiều lao động bôi kem phủ để che hình xăm hoặc hình xăm ở những vị trí nhạy cảm, khó phát hiện, song đến vòng kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện, các bác sĩ phát hiện có hình xăm hoặc vết sẹo họ kết luận do vết xóa xăm để lại thì các ứng viên này cũng không đủ điều kiện để tiếp tục tham gia chương trình", đại diện chương trình IM Japan thông tin.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Nhật Tân, lãnh đạo một doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, cho biết, quy định loại trừ hình xăm tới từ các đối tác Nhật Bản và một số doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).
Theo ông Tân, hình xăm có thể khiến người lao động gặp khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa địa phương hoặc bị đánh giá là thiếu nghiêm túc, có lối sống lệch lạc hoặc thậm chí là thành phần nguy hiểm, đặc biệt những nơi có định kiến tiêu cực về việc xăm hình như Nhật Bản.
Hầu hết các đơn hàng đến từ Nhật Bản, các đối tác đều yêu cầu doanh nghiệp phái cử kiểm tra sơ bộ các ứng viên, sau đó phối hợp với bệnh viện kiểm tra sức khỏe, trong đó có việc loại trừ hình xăm.
Đưa ra lời khuyên cho các ứng viên đi lao động ở nước ngoài, ông Tân cho rằng: "Xăm hình là nhu cầu, quyết định của mỗi người, song trước khi xăm, xăm hình gì, chữ gì, ở vị trí nào cần suy nghĩ kỹ nếu người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, bởi hình xăm sẽ đi theo cuộc đời mỗi người, rất khó xóa".
Vị lãnh đạo doanh nghiệp khuyến cáo, nếu có ý định đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là đi Nhật, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xăm hình, để đảm bảo sự thuận lợi, suôn sẻ trong quá trình phỏng vấn, xuất cảnh.